Thứ Năm, 17 tháng 5, 2018

NHỮNG NGÀY TRONG QUÂN NGŨ    
Hồi ký về những ngày trong quân ngũ (1975 - 1990) 
     
           Sau gần 30 năm giải ngũ nay mới có dịp ngồi nghĩ lại những năm tháng sống cuộc đời quân ngũ mà mình đã trải qua, từ tháng 2/1975 đến tháng 2/1990. Thời gian phục vụ trong quân đội là 15 năm, tôi đã làm nhiều công việc khác nhau và trưởng thành từ anh binh nhì lên đến một viên sĩ quan mang quân hàm đại úy. Tuy thời gian không nhiều nhưng so với đồng đội cùng nhập ngũ thì tôi may mắn đạt được hai cái, đó là có tấm bằng đại học và khi về phục viên nay được hưởng chế độ 142. Quá trình trong quân ngũ là cả một quãng thời gian tuổi trẻ tôi quyết tâm phấn đấu vươn lên và vượt qua nhiều khó khăn để trưởng thành. Ngày mới đi bộ đội tôi gày gò nhỏ thó, nhút nhát thư sinh; nhưng môi trường quân đội đã rèn luyện tôi trở thành người có tính góc cạnh, cương trực. Tính cách được hình thành ở môi trường khắc nghiệt cũng có cái lợi là kiên định, vững vàng nhưng có khi hỏng việc, nhiều lúc cực đoan. Do đó đường công danh của tôi là một đường thẳng, cũng như vùng trung du quê tôi không cao trở thành núi mà cũng chẳng thấp để làm sông được.
         Trước ngày nhập ngũ tháng 2 năm 1975 vào dịp cuối năm 1974, tôi đang đi học lớp 10 thuộc Trường phổ thông cấp 3 Hiệp Hòa số 2 ở Kè Thường thì nhận được lệnh nhập ngũ, tôi và Phạm Văn Bảy học cùng lớp đã lên thẳng huyện đội để khám sức khỏe. Lúc đó việc đi bộ đội là một vinh dự, mọi người háo hức được lên đường đánh Mỹ. Tôi khi ấy người nhỏ con lại gầy gò chỉ sợ không đắt; nhưng sau đó gia đình tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào dịp trước Tết 1975. Tiêu chuẩn cho tân binh lên đường là 5 bao thuốc lá Tam Đảo, gói chè Tân Cương và mấy cân thịt để liên hoan. Ăn Tết xong ngày 10 chúng tôi tập trung tại huyện để đơn vị về đón quân, huyện đội giao quân xong chúng tôi về làng Dinh Hương sau 3 ngày chờ đợi thì xe chở chúng tôi về đơn vị. Tôi và 11 anh em cùng xã về Tổng cục kỹ thuật. Chúng tôi ngồi trên thùng xe Zin 130 khi xe chở chúng tôi đi qua làng nhìn những người đang tát nước bên đường tôi gọi to chào mọi người mà trong lòng bịn rịn. Lúc đó mới cảm giác được tình cảm khi xa quê sao lưu luyến thế. Chiều đó xe đi qua nhà về đến Hà Nội thì trời đã tối, xe đi vun vút trong đêm hai bên đường thấy hết cây lại đồi núi chập trùng không biết họ chở về đâu, mãi đến 9 giờ đêm chúng tôi về đến đơn vị đóng quân mới biết là Suối Hai, Ba Vì, Hà Tây. 
           Hôm sau ngủ dậy chúng tôi đươc cán bộ trung đội hướng dẫn nơi vệ sinh, tắm giặt và thao trường tập luyện. Đơn vị đóng bên cạnh dưới chân đập hồ chứa nước Suối Hai. Hồ được hình thành là do đắp một con đập chặn dòng chảy từ núi Ba Vì xuống nên hồ có măt nước rộng đến hàng ngàn héc ta; trong lòng hồ có những đảo sim và rừng cây chưa ngập xa xa trông như bức tranh thủy mặc. Hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp và ngành thủy sản thả cá nên có những con cá hàng mấy chục cân bao năm mới bắt được; nay hồ được khai thác làm khu du lịch rất đông khách đến thăm. Hàng ngày chúng tôi đánh răng rửa mặt, tắm giặt dọc theo con đập kè đá hộc dài trên một km, buổi sáng thì sóng gợn lăn tăn buổi chiều lộng gió, sóng đánh tung bọt trắng xóa rồi tan biến vào những kẽ đá xanh mát. Vào những ngày nghỉ chúng tôi hay dùng vỏ chăn làm phao bơi ra những đảo gần bờ để hái sim ăn hoặc dạo quanh hồ ngắm núi Ba Vì xa xa xanh ngắt. Thao trường tập luyện là những quả đồi lúp súp sim mua, là hành quân đi ra thị xã Sơn Tây cõng gạo về đơn vị; là thỉnh thoảng chúng tôi đi hành quân dã ngoại, đi đắp đập ở vùng núi Ba Vì, đắp đê vùng Bất Bạt ... Tôi nhớ một kỷ niệm khi đi đắp đập ở vùng núi Ba Vì, đêm hôm đó mưa rào đầu mùa mấy anh em chúng tôi trọ ở nhà dân rủ nhau đi soi ếch và bắt được rất nhiều. Chúng tôi thịt ếch sào với măng tre tươi, rất hấp dẫn lại có rượu sắn ngon của chủ nhà nên chúng tôi chơi mút chỉ trong đêm đó, do sáng hôm sau không đi làm được bị trung đội phê bình. Đơn vị chúng tôi đang huấn luyện thì tin miền Nam được giải phóng, kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4 lịch sử. Sau này đọc nhiều và tìm hiểu tôi mới biết ý định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã có từ khi ký Hiệp định Pa ri năm 1973. Trong hai năm chuẩn bị nhân lực, vật lực cho chiến trường là thực hiện ý định đó. Chúng tôi là những người may mắn không trực tiếp tham gia chiến trường, nhiều đồng đội ngã xuống khi chiến thắng đến gần. Nếu không thì lớp bộ đội chúng tôi cũng chung số phận như các đồng đội xấu số ấy khi chiến tranh chưa kết thúc. Adidaphat. Ngày 15 tháng Năm chúng tôi được nghỉ ngơi tại trại để ăn mừng chiến thắng; ngoài bữa ăn tươi chúng tôi được phát hai bao thuốc lá Rubiquen của Mỹ. Loại thuốc lá này là chiến lợi phẩm thu được có mùi thơm rất dễ chịu, không hút cũng tự cháy hết. Tháng 4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, anh em đơn vị chúng tôi cũng vừa huấn luyện xong, kết thúc bằng khoa mục bắn đạn thật và lần lượt điều về các đơn vị trong Tổng cục, hoặc đi học các trường trong quân đội. Một số anh em được điều động đi coi giữ kho ở Tổng kho Long Bình; một số đi học ở trường đào tạo kỹ thuật Q51 Sơn Tây. Chúng tôi là những người ở lại xây dựng đơn vị (lúc đó doanh trại huấn luyện chuyển thành Trường nghiệp vụ quản lý của Tổng cục Kỹ thuật) từ một trung đoàn huấn luyện nay dồn lại thành một đại đội chuyển về làng Yên Khoái ăn ở và sinh hoạt trong nhà dân. Hàng ngày chúng tôi phải vượt qua một quả đồi và một con suốil để đến nơi làm công việc xây dựng nhà trường, đào móng, gánh đá ong, vận chuyển vật liệu xây nhà ở, lớp học.
. Lúc này chúng tôi chuyển sang lao động xây dựng khu doanh trại thành Trường nghiệp vụ quản lý của Tổng cục nhằm đào tạo cán bộ quản lý kinh tế trong ngành kỹ thuật quân đội. Học viên tuyển từ các đơn vị, nhà máy quốc phòng như Z153, Z133, Z117, Z121, Z122... Nhiệm vụ hàng ngày là chuyển đá ong từ chận đồi lên khu vực xây dựng khoảng 2 km, giao khoán mỗi người gánh 50 viên mỗi ngày, sáng không xong trưa về ăn cơm chiều gánh tiếp. Chúng tôi được trang bị quang sắt và đòn gánh; mỗi viên gạch đá ong sau khi đánh từ dưới lò xong còn ẩm nặng khoảng 20-25 kg. Thường thì mọi người gánh 2 viên một chuyến, anh nào có sức thì gánh 4 viên nhưng quả là vất vả phải nghỉ nhiều lần. Cũng là gánh trọng lượng như nhau, nhưng gánh rơm rạ hay thóc lúa thì còn dễ chứ cái anh đá này mà sao nó nặng thế, nặng chìm cứ như ghì mình xuống. Sau khi xây dựng xong khu ở của Đại đội xây dựng, chúng tôi chuyển lên ở đó và hàng ngày làm công việc xây dựng. Tiểu đoàn trưởng là anh Đỗ Đạt, đại đội trưởng là anh Phạm Quý Khe, ngày đó kỷ luật quân đội còn nghiêm lắm mọi việc đều điều hành theo điều lệnh quân sự, trên bảo dưới nghe răm rắp. Nếu như bây giờ thì cán bộ, chiến sỹ làm bên xây dựng cũng có thể ăn cắp ăn trộm vật tư đút túi ít nhiều.
         Đến năm 1977 tôi được điều đông về làm nhân viên Phòng Tài vụ của nhà trường. Tôi có một kỷ niệm trong công việc tài vụ là tự ý giải quyết thanh toán giấy cung cấp tài chính cho một học viên trở về đơn vị không xin ý kiến của trưởng phòng; nghĩa là thanh toán tiền xong nhưng chưa cấp vì chờ chữ ký trưởng phòng. Khi trình ký tôi bị anh Thực trưởng phòng xạc cho một trận vì vô nguyên tắc, may mà không thiệt hại gì. Phòng tài vụ lúc đó có anh Thực, anh Sơn, anh Tuyết, chị Cúc, chị Hải; sau anh Thiệp về thay anh Thực trưởng phòng, anh Oanh về bổ sung. Tôi được giao theo dõi tăng giảm quân số và dữ liệu để cung cấp cho Trạm máy tính Bộ Quốc phòng để tính lương hàng tháng cho cán bộ, chiến sỹ và học viên của nhà trường. Thời gian đó áp dụng tính lương trên máy tính đục lỗ, đơn vị phải gửi các thay đổi như tăng giảm quân số, cấp bậc lương, thăng quân hàm, phụ cấp con, trách nhiệm, độc hại... vào ngày 25 tháng trước về Trạm máy tính. Ngày mồng 5 tháng sau Trạm sẽ gửi bảng lương về cho đơn vị để cấp phát, nếu nhầm nhọt thì lại làm điều chỉnh vào ngày 25 cuối tháng. Công việc này tôi chỉ được hướng dẫn và làm được ngay vì không cần nghiệp vụ miễn có tính cẩn thận là làm được. Phòng Tài vụ có rất nhiều người kính nể vì là nơi giải quyết mọi chế độ liên quan đến tiền tệ. Chẳng qua họ cần mọi việc thanh toán được suôn sẻ và có chút lợi lộc hơn người khác thôi, chứ thật tâm họ cũng chẳng cần phải nể trọng, mỗi người trong bộ máy của một tổ chức đều có nhiệm vụ khác nhau, mỗi người mỗi việc thì bộ máy mới hoạt động được. Tôi nhớ năm học cấp 3 thày Hinh dạy tiếng Trung có kể một câu chuyện vè chiếc đồng hồ của Bác Hồ. Cụ đứng trước cán bộ chiến sĩ giơ chiếc đồng hồ hỏi đây là cái gì. Mọi người hô to chiếc đồng hồ ạ, cụ lại chỉ vào mặt đồng hồ và nói đây là chiếc kim dài chỉ phút, kim ngắn chỉ giờ và những con số chỉ thời gian trong ngày. Cụ quay đồng hồ lại phía sau và nói trong này còn có các bánh răng, dây cót để tạo năng lượng giúp đồng hồ chạy được báo giờ giấc cho chúng ta. Sau đó cụ phân tích cơ quan chúng ta cũng vậy, nó cũng giống như chiếc đồng hồ này vậy. Mỗi người làm chức năng của mình như kim giờ, kim phút, báng răng, dây cót... không ai quan trọng hơn ai mà đều quan trọng cả. Nếu thiếu một trong các chi tiết thì chiếc đồng hồ không chạy được cũng như trong cơ quan nếu không có bộ phận này thì bộ phận kia cũng không thể làm việc. Hoặc nếu ai cũng thích muốn làm chức năng bề nổi như chiếc kim hay mặt số để mọi người biết đến mà không có người làm công việc âm thầm như bánh răng hay dây cót thì thử hỏi đồng hồ có chạy được không. Qua câu chuyện mọi người mới thấy vai trò của mình như thế nào trong một cơ quan tổ chức hoạt động được. Do đó làm việc ở phòng tài vụ tôi cũng thấy bình thường như các phòng chức năng khác. Hàng ngày tôi và anh Tuyết xuống nhà bếp lấy cơm về phòng mấy anh em cùng ăn, các chị ở khu gia binh về ăn cơm nhà. Thường thì nấu thêm thức ăn vì nhà bếp rất hay thịt lợn và chúng tôi lại hay được ưu ái. Những năm đó kinh tế khó khăn sống chế độ tem phiếu mọi thứ đều phân phối; các anh trong phòng thỉnh thoảng lại rán mỡ đổ vào chai đem về cho gia đình dùng. Ngày thứ bảy chủ nhật thường chỉ có tôi và anh Tuyết quê Yên Khánh, Ninh Bình ở lại. Anh em thường cải thiện và có mấy anh em cùng dự rất vui vẻ. Đến cuối năm 1977 trong một lần được về nhà nghỉ tranh thủ bảy ngày nghe theo gia đình tôi đã cưới vợ để có người lo việc cho gia đình. Ngày cưới đối với tôi không bận tâm lắm vì mọi việc gia đình tự lo hết, tôi chỉ được nghỉ có bảy ngày để làm các thủ tục từ dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Đám cưới nhà quê khi ấy diễn ra rất giản dị không loa đài, hoa hoét lộng lẫy. Chú rể vẫn trang phục bộ đội đi đón dâu và cũng chẳng có chụp ảnh kỷ niệm nên bây giờ đố tìm được kiểu anh ngày cưới nào của tôi cả. Hết phép tôi trở về đơn vị và không thông báo việc cưới vợ với ai cả. Trong thâm tâm tôi nghĩ việc gia đình như vậy là an tâm nay chỉ tập trung vào công việc và tương lai của mình. Sang năm 1978 được sự quan tâm của trên tôi được chọn đi ôn văn hóa để thi vào Trường đại học tài chính sau này trở về phục vụ quân đội chính quy. Đây là chủ trương nâng cao trình độ cho quân đội trong thời bình, đại đa số các trường đại học ngoài quân đôi đều có học viên gửi đi học.Trong khi làm hồ sơ thủ tục phần khai về vợ con tôi dấu nhẹm và cũng rất lo bị phát hiện thì việc đi học có thể bị đình lại. Đối tượng được đi ôn văn hóa là các chiến sĩ đang công tác tại các đơn vị trong Tổng cục có văn hóa lớp 10 và có thành tích tốt; cùng ôn văn hóa với tôi có Dương Văn Quy ở Hương Câu thuộc nhà máy Z153 Đông Anh. Sau ba tháng ôn văn hóa tôi thi đạt 16,5 điểm ba môn toán lý hóa; nếu được 18 điểm là đủ điểm đi học nước ngoài. Tháng 8 năm 1978 tạm biệt đơn vị tôi về Đoàn 871 - Cầu Chui, Gia Lâm tập trung để đi học tại Trường Đại học Tài chính Kế toán ở Phúc Yên, Mê Linh, Vĩnh Phú.
T
Sau đó tôi chuyển làm văn thư đại đội, hàng ngày sang nhận thư báo, công văn tại ban chỉ huy tiểu đoàn; phục vụ ban chỉ huy đại đội.
Tháng 3 năm 1978 tôi được chọn đi ôn thi văn hóa để thi vào Trường đại học tài chính kế toán (nay là Học viện Tài chính). Năm 1982 ra trường tôi có tấm bằng đại học Tài chính và được phong quân hàm trung úy, nhận quyết định của Bộ Quốc Phòng do Thiếu tướng Đặng Vũ Hiệp ký điều về Quân Khu I. Từ Quân Khu tôi lại được điều động về Cục Hậu cần Quân đoàn 26 và đến Đoàn 82 làm Trợ lý tài vụ. Đoàn 82 được thành lập để tiếp quản Nông trường mía Phục Hòa của tỉnh Cao Bằng, do còn mìn cài lại khu vực giáp biên nên quân đội vừa làm nhiệm vụ rà phá, vừa trồng trọt để giữ đất và hậu cần tại chỗ. Nơi đây cách cửa khẩu Tà Lùng thuộc biên giới Việt Trung khoảng 3-5 km, sáng dậy nghe đài công suất lớn của Tàu rất rõ và thỉnh thoảng có những cuộc va chạm hai bên, năm ngày lại một phiên chợ, rượu thử thoải mái không lo trả tiền, chúng tôi làm quen với phong tục của người vùng cao cũng do uống được rượu. Sau ba tháng công tác ở đây tôi lại được điều về làm Trợ lý tài vụ tại Trại cá Bằng Khẩu, xã Hồng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Cao Bằng. Một là, tháng 2/1990 khi giải ngũ về địa phương với chế độ phục viên có thời gian công tác là 15 năm, tôi nay được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số: 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương. Tôi thuộc đối tượng là những người nhập ngũ trước ngày 30/04/1975 trở về trước, khi xuất ngũ có thời gian phục vụ trên 15 năm đến dưới 20 năm thì được hưởng trợ cấp hàng tháng; khởi điểm số tiền trợ cấp là 600.000 đ/tháng, tăng theo điều chỉnh tiền lương của nhà nước. Hiện nay tôi đang được nhận mức trợ cấp hàng tháng là 1.650.000 đ/tháng. Hai là, 
 Đó là hai cái mà tôi có được trong thời gian phục vụ quân đội, khi giải giáp quân đội dọc biên giới theo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; khi về phục viên tại địa phương tôi đeo lon Đại úy Quân đội nhân dân Việt Nam.


(còn tiếp)